Tuesday, September 9, 2014

Mất xe ở quán cà phê, bảo vệ có hợp đồng cam kết “đền xe” với chủ quán: chủ quán hay bảo vệ phải bồi thường?


Hỏi: Kính gửi luật sư, nhờ luật sư giải đáp giùm trường hợp của em: em bị mất xe tại quán cà phê có bảo vệ trông giữ và có vé xe. Đã lập biên bản tại công an và hòa giải 2 lần tại UBND và tòa án đã thụ lý đơn ( đơn em kiện phía chủ quán tư cách pháp nhân).

Lần đầu tòa án mời thì bị đơn (chủ quán) đi trễ và em đã về. Chủ quán có nộp cho Tòa một hợp đồng được ký giữa quán và người làm "nhân bảo vệ và giữ xe cho quán" (hợp đồng được ký giữa 2 bên gọi là " Hợp đồng giữ xe" – xem file đính kèm).


Khi Tòa mời lần hai thì chủ quán không lên, thư ký tòa có nói là do người giữ xe đồng ý nhận trách nhiệm về mình, và có hợp đồng. Nên tòa án sẽ xử người bảo vệ. Theo luật sư thì tòa án giải quyết vụ việc trên như vậy có đúng không ? Luật sư hướng dẫn dùm em vì nếu tòa án xử người bảo vệ thì có khả năng em sẽ không nhận được tiền bồi thường vì người bảo vệ không có tiền và ở trọ tại TPHCM nên khả năng nhận tiền bồi thường là rất khó. Em kiện phía chủ quán như vậy có thể bắt buộc chủ quán bồi thường không? vì em gửi xe tại khuôn viên của quán. Rất mong nhận được hướng dẫn của luật sư , và giải đáp dùm em sớm để em tìm hướng giải quyết. Em xin cám ơn. (Ta Tuan A.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Tôi có xem Hợp đồng giữ xe do bạn gửi đến. Theo đó, phía chủ quán trả 3 triệu đồng/tháng cho người giữ xe – để giữ xe của khách vào quán cà phê (từ 7h đến 23h). Trách nhiệm của người giữ xe (tại Điều 4) nguyên văn như sau:

“ - Tự làm thẻ giữ xe để giao cho khách. Có trách nhiệm bồi thường cho khách nếu để xảy ra việc mất xe.

- Không được thu tiền giữ xe của khách (giữ xe miễn phí).

- Phải sắp xếp xe có trật tự, ngăn nắp”

Qua bản hợp đồng như vậy, quan điểm của tôi như sau:

- Bản Hợp đồng giữ xe giữa chủ quán cà phê và người nhận công việc giữ xe thoạt nhìn có vẻ như là một hợp đồng dịch vụ. Theo đó chủ quán thuê một người làm công việc giữ xe tại quán – và trả tiền mỗi tháng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì thấy hợp đồng này không thể là hợp đồng dịch vụ - vì người nhận giữ xe không có tư cách pháp lý và thẩm quyền để “cung ứng” (hay thực hiện) dịch vụ giữ xe. Vì người này không có giấy phép giữ xe - trong khi luật qui định giữ xe là dịch vụ phải có giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Do vậy, cho dù giữa hai bên có ký hợp đồng theo kiểu là “hợp đồng dịch vụ” như vậy thì cũng không có giá trị pháp lý (do nội dung trái pháp luật). Nên nếu có tranh chấp liên quan đến hợp đồng này, thì Tòa án sẽ tuyên là hợp đồng vô hiệu toàn bộ.

- Theo qui định tại Bộ luật dân sự, hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa hai bên (ở đây là chủ quán và người giữ xe). Và do vậy, việc hai bên thỏa thuận khi mất xe thì người bảo vệ phải bồi thường cho khách hàng cũng không có giá trị.

- Về mặt bản chất, quan hệ pháp lý giữa người chủ quán và người giữ xe là quan hệ giữa người thuê và người làm thuê. Khi bạn đến uống cà phê tại quán của người chủ quán, giữa hai bên phát sinh mối quan hệ chủ quán - khách hàng. Bao gồm cả việc chủ quán có trách nhiệm giữ xe của khách hàng. Còn giữa bạn và người giữ xe không phát sinh quan hệ pháp lý gì cả. Bạn không trả tiền (thanh toán) cho việc gửi xe. Chiếc vé chỉ thuần túy là vật “làm tin”. Việc bạn gửi xe (và người bảo vệ giữ xe) hoàn toàn nằm trong khuôn viên của quán, thuộc trách nhiệm quản lý và điều hành của chủ quán. Hay nói cách khác, người giữ xe không có trách nhiệm phải trực tiếp bồi thường cho bạn – khi mất xe. Mà chính người chủ quán phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng của mình, khi để xảy ra việc mất xe.

- Còn việc chủ quán có “đòi lại” tiền bồi thường đối với người giữ xe hay không là chuyện “nội bộ” của quán cà phê. Bạn không cần quan tâm về vấn đề này.

Qua những nhận định trên đây, tôi cho rằng nếu bạn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của mình – tức là kiện người chủ quán và yêu cầu người này bồi thường cho bạn, thì nhiều khả năng Tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu của bạn.

Chưa kể về mặt tố tụng, Tòa đang thụ lý vụ án đã xác định chủ quán là “bị đơn”, còn người giữ xe chỉ là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Do vậy, về nguyên tắc bị đơn bắt buộc phải có mặt tại Tòa, chứ không phải là nộp vào Bản hợp đồng giữ xe là xem như đã “thoát” trách nhiệm của mình.

Tóm lại, lời khuyên của tôi là : bạn cứ “kiên định” theo lập trường của mình, và nên có “Đơn trình bày” gửi Tòa, theo hướng đưa ra ý kiến phản biện như đã nêu ở trên đây.

Cuối cùng, cũng cần nói thêm là trên đây là quan điểm cá nhân của tôi, không chắc chắn là tuyệt đối chính xác 100%. Chúc bạn mọi việc thuận lợi. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn