Monday, September 1, 2014

Lỡ tay làm chết người, nên đầu thú


Hỏi : Tình cờ qua google thật may mắn tôi biết được trang web của công ty luật hợp danh Ecolaw. Tôi và bố tôi có một việc muốn nhờ các luật sư tư vấn giúp. Tôi xin được kể lại thật chi tiết để các luật sư hình dung ra được sự việc:

Nhà tôi và nhà bác N. sống gần nhau. Bác N. có một người con tên là Đ. nổi tiếng là du côn. Một hôm do thấy tôi được nghỉ hè về thăm bố mẹ nên bác N. có sang chơi và hỏi thăm.


Lúc đó có tôi, bác N. anh trai tôi (tên là V.) & bố tôi đang ngồi uống nước thì Đ. sang hỏi mượn chìa khóa xe, nhưng bác N. không đưa nên Đ. đã có những lời vô lễ với bố mình. Do quá bức xúc nên anh tôi có cầm quyển sách đập vào mặt Đ. khiến hắn chảy một ít máu và đuổi hắn ra khỏi nhà.

Được mấy phút sau, hắn quay lại tay phải cầm một cái côn 2 khúc (ở Miền Bắc dùng từ này, không biết luật sư là người Miền Nam có hiểu được không?), tay trái cầm một hòn đá mài ném thẳng vào bàn nơi mọi người đang ngồi rồi cầm côn đuổi anh tôi chạy ra vườn.

Anh tôi chạy ngang qua bếp thì rút một con dao nhọn và dừng lại chém vu vơ mấy cái vào không khí mà mục đích là để dọa hắn đừng xông vào nhưng với bản chất hung hăng nên cậu ta vẫn dùng côn vụt tới tấp khiến anh tôi phải quay đầu bỏ chạy. Chạy được 15m thì đến bờ ao anh tôi không thể chạy được nữa mà quay đầu lại hướng đối diện với Đ. thì ngay lập tức cậu ta nhảy lên cao và lao thẳng về phía anh tôi. Cả 2 dính lấy nhau và ngã nhào xuống ao. Nhưng do anh tôi tay vẫn cầm dao và hướng về phía Đ., nên cậu ta đã bị con dao cắm thẳng vào bụng khiến Đ. tử vong ngay tại chỗ.

Sau đó bác N. mang Đ. về và mai táng. Việc cậu ta chết do nhát dao của anh tôi chỉ có 2 gia đình biết. Do chẳng tha thiết gì với đứa con bất hiếu nên bác N. nói với hàng xóm là Đ. chết vì cảm. Vì nhà tôi ở vùng trung du tỉnh Bắc Cạn nên chỉ có nhà tôi và nhà bác N. là sát nhau còn những gia đình khác thì ở cách khá xa và nếu không nói thì chẳng ai biết.

Để bù đắp cho gia đình ông N., bố tôi đã viếng 20 triệu đồng. Nhưng sau khi Đ. mất được 5 ngày thì vợ ông N. là bà H. và chị bà H. có sang nhà đòi thêm 20 triệu nữa. Do lo sợ dính đến pháp luật sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp của anh tôi (anh tôi là giáo viên cấp 3) nên gia đình tôi lại đã đưa trước 10 triệu đồng và nợ 10 triệu, hẹn trả trong tháng 8-2010.

Vậy tôi muốn hỏi là với sự việc như vậy anh tôi có phạm tội gì không? Có thể bị đi tù hay bị đuổi việc không? Tôi thì cho rằng anh tôi chẳng phạm tội gì cả, và chẳng có lí do gì để đưa thêm tiền cho họ. Vì cả tôi, bố tôi và bác N. đều thấy rõ anh tôi không hề đưa con dao nên đâm Đ. . Tay anh tôi vẫn giữ nguyên con dao theo tư thế cũ. Đ. chết là do nhảy thẳng vào với lực quá mạnh. Chân thành cảm ơn! ( Thanh Y.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời :

Câu chuyện bạn kể quả thực đã gây ấn tượng mạnh cho cả văn phòng chúng tôi. Vì sự việc như thế này thật hiếm gặp, tính chất khốc liệt, kịch tính rất cao. Cây côn hai khúc mà bạn nói ở Miền Nam cũng có, còn gọi là “nhị khúc”. Đây có thể xem là một loại “hung khí”.

Ông bà ta có câu “một miệng thì kín, chín miệng thì hở”, ý nói rằng chuyện “không ai biết” chỉ có thể có khi duy nhất người đó biết. Ở đây, người của cả hai gia đình đều đã biết, nên không thể và cũng không xem là chuyện “kín”, chuyện cần giấu diếm được nữa - mà vấn đề là nên xử lý như thế nào cho tốt đẹp nhất. Đúng không bạn ?
Với hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra là một mạng người (anh Đ. đã chết), xuất phát từ một mũi dao trên tay anh bạn – cho thấy đây là một vụ việc mang tính chất hình sự rõ ràng. Cần được giải quyết theo qui định tại Bộ luật hình sự. Vì lẽ mạng sống của một con người là vô giá - được pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng bảo vệ.

Vấn đề cơ bản đặt ra ở đây là : trong sự việc này có hành vi tội phạm hay không ? Nếu có, thì “ai” phạm tội ? tội gì ?

(Trong khuôn khổ một bài viết, và chỉ qua những thông tin ngắn gọn do bạn cung cấp, chúng tôi chỉ có thể trao đổi với bạn những vấn đề cơ bản nhất. Dù gì, tôi đề nghị anh bạn và gia đình cần phải tìm đọc Bộ luật hình sự - có bán tại hầu hết các nhà sách trên cả nước, để biết thêm thế nào là tội phạm, hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự …)

Trước hết, có thể thấy trong vụ án này (có thể gọi như vậy), anh bạn là đối tượng sẽ được pháp luật hướng đến và giải quyết. Lời khuyên đầu tiên của tôi là anh bạn nên chủ động “trình diện” tại cơ quan công an địa phương (có thể là công an huyện), kể lại sự việc và chấp nhận vào “vòng điều tra” của pháp luật. Như vậy, sau này dù là trong tình huống xấu nhất (giả sử anh bạn sẽ bị “kết” về các tội liên quan đến tính mạng con người) thì vẫn có được các tình tiết giảm nhẹ rất đáng kể, sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến mức hình phạt (án) : đó là do đã “đầu thú”, “thật thà khai báo” …

Qua những tình tiết do bạn kể, chúng tôi thấy rằng hành vi của anh bạn nếu thực sự đúng như bạn mô tả - với sự xác nhận trùng khớp của những người có mặt (bố bạn, ông N., bạn …- với vai trò là nhân chứng ) và thể hiện được trong bản “Kết luận điều tra” của cơ công an thì anh bạn có dấu hiệu phạm vào một trong hai tội sau : “Giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hoặc “vô ý làm chết người” - qui định tại các điều 95 và 96 Bộ luật hình sự. ( Các tội danh khác có liên quan như “Giết người”, “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” ... – chúng tôi có trích dẫn dưới bài viết này để bạn tham khảo thêm).

Vậy, vì sao anh bạn có thể bị truy cứu về tội ““Giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” ?

Đó là vì hành vi giơ dao ra của anh bạn là nhằm mục đích phòng vệ (bảo vệ cho bản thân mình) khi bị anh Đ. cầm hung khí tấn công, truy đuổi. Mặt khác, tư thế giơ dao và hướng mũi dao của anh bạn là do anh bạn “chủ động”, thực hiện một cách có chủ đích. Hay nói cách khác, hành vi của anh bạn mang tính chất “cố ý” – thuật ngữ pháp luật hình sự, chứ không phải là ngẫu nhiên mà “giơ dao” như vậy.

Theo mô tả của bạn, thì anh bạn đang bị anh Đ. truy đuổi rất gắt gao và nếu không bỏ chạy thì có thể nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Chi tiết anh hai người “ rơi xuống ao” thể hiện rõ tình thế nguy hiểm, phải phòng vệ của anh bạn.

* Khi nào anh bạn có thể bị truy tố về tội “Vô ý giết người” ?

Trong trường hợp này, đểm khác biệt đáng nói nhất là hành vi giơ mũi dao của anh bạn là do sự ngẫu nhiên, hoàn toàn vô ý - chứ không có chủ đích. “Rủi ro” là anh Đ. đã bổ nhào vào người anh bạn, dẫn đến việc “tự động” bị mũi dao đâm vào.

Tuy nhiên, với các tình tiết như bạn kể thì tôi nghĩ rằng hành vi giơ dao của anh bạn có ý nghĩa mang tính “phòng vệ” hơn là “ngẫu nhiên”. Vì một người đang bị người khác đuổi đánh khó có thể “ngẫu nhiên” giơ mũi dao về phía người đang tấn công mình.

Nói tóm lại, tôi nghĩ rằng anh bạn có dấu hiệu phạm về tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Về đánh giá của bạn : anh bạn không phạm tội gì - thực ra là không thỏa đáng – theo luật (tôi nhấn mạnh là “theo luật” chứ không phải theo quan điểm của cá nhân tôi).

Vì lẽ theo qui định tại Bộ luật hình sự thì cho dù hành vi của anh Đ. là hoàn toàn sai, đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của anh bạn thì anh bạn cũng chỉ có thể phòng vệ trong “giới hạn” cho phép, sao cho không ảnh hưởng đến tính mạng của người khác. Ở đây, anh bạn tuy phòng vệ là hợp lý, nhưng lại dẫn đến hậu quả làm chết anh Đ. Do vậy anh bạn không thể hoàn toàn không có trách nhiệm gì đối với hành động gây ra hậu quả chết người của mình.

Cần nói thêm là tại Điều 11 Bộ luật hình sự có qui định về “Sự kiện bất ngờ”. Theo đó, người thực hiện hành vi gây hậu quả có nguyên nhân do sự kiện bất ngờ - tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Tức là vô tội). Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp của anh bạn. Vì lẽ trong sự việc này không có gì có thể gọi là “sự kiện bất ngờ” cả.

Trên đây là ý kiến trao đổi của tôi dựa trên thông tin "một chiều" từ phía bạn (chưa được kiểm chứng) và dĩ nhiên không nhằm mục đích kết tội anh bạn. Việc giải quyết vụ án này (nếu sẽ xảy ra) là không đơn giản, bao gồm cả khả năng có thể phải khai quật mộ người đã chết, tiến hành khám nghiệm, thực nghiệm ... - Việc này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan công an, rồi sau đó là Viện kiểm sát, Tòa án.
Hy vọng anh bạn và gia đình sẽ có được quyết định phù hợp và đúng đắn. Sự việc này chắc chắn không nằm trong ý muốn và tưởng tượng của bất kỳ ai có mặt vào lúc xảy ra sự việc. Chúng tôi chúc anh bạn có đủ nghị lực để đương đầu và vượt qua thử thách có lẽ là khắc nghiệt nhất của đời mình.

Anh bạn và gia đình cũng nên tìm tới một luật sư có uy tín và kinh nghiệm, để nhờ tư vấn, bào chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Thân mến. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hành chính – Hình sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn