Sunday, June 10, 2018

Rút vốn khỏi công ty cổ phần khi chưa có tên trong danh sách cổ đông


Hỏi : Công ty đã được thành lập 8 tháng và tôi đã hùn vốn với 2 người bạn để tham gia cổ đông. Tôi có 30% cổ phần. Nhưng vẫn chưa đổi giấy phép kinh doanh có tên tôi trong đó. (Vì lúc trước là tên người khác và 2 người bạn của tôi ). Khi hùn vốn tôi chỉ có tờ giấy biên nhận và xác định của giám đốc là tôi có 30 % cổ phần.Vậy bây giờ tôi muốn rút vốn của mình ra thì có được không. Và xin cho biết luật quy đinh như thế nào về việc rút vốn ra khỏi công ty cổ phần. Mong được giải đáp từ luật sư. (Ly Hoàng V.)

Luật sư Võ Đình Khinh trả lời:

Sự việc của bạn không đơn giản.

Trước hết, do doanh nghiệp có hình thức là “công ty cổ phần”, lại chỉ mới thành lập chưa tới một năm, nên theo qui định tại Luật doanh nghiệp sẽ chưa được phép chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông không phải là cổ đông sáng lập. (Cổ đông sáng lập là những cổ đông đầu tiên góp vốn thành lập công ty, có tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty. Ở đây là 3 người ban đầu). Theo qui định, phải sau 3 năm mới được phép.

Sở dĩ tôi nói đến chuyện “chuyển nhượng cổ phần” (tạm hiểu là “vốn”) là vì theo lời bạn nói thì một “người khác” rút ra, bạn “thế chỗ” vào – nên xem như người rút ra này “chuyển nhượng” phần vốn của mình cho bạn. Tuy nhiên, như đã nói trên, việc chuyển nhượng này là không thể thực hiện (tức là không thể làm thủ tục rút tên “người khác” ra khỏi công ty và “thay” tên bạn vào) – vì trái luật.

( Cũng cần nói thêm là nếu “người khác” rút tên ra khỏi công ty, trong khi chưa có tên bạn trong danh sách cổ đông thì cũng không được. Vì theo qui định, công ty cổ phần phải có tối thiểu 3 cổ đông (người). Nếu chỉ còn 2 người thì không tồn tại công ty cổ phần nữa).

Tuy nhiên, theo lời bạn thì bạn đã “hùn vốn” với hai người bạn, như vậy lại có thể hiểu là bạn xin trở thành một cổ đông mới (người góp vốn) của công ty. Trong trường hợp này, công ty phải hoàn tất thủ tục đăng ký tăng vốn và tăng cổ đông tại Sở kế hoạch đầu tư, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bổ sung – thì bạn mới chính thức trở thành cổ đông của công ty một cách hợp pháp. Chứ với tình trạng chỉ có giấy xác nhận của ông giám đốc như bạn nói thì chắc chắn bạn chưa được xem là một cổ đông. Tờ giấy xác nhận này chỉ có ý nghĩa như mà một tờ giấy “nhận nợ” mà thôi.

Qua những điều trình bày trên, chúng tôi muốn nói rằng về mặt pháp lý, bạn chưa hoàn tất thủ tục, chưa có tên trong danh sách cổ đông nên xem như bạn chưa là “gì” trong công ty cả. Nếu muốn rút vốn, thực chất là việc bạn “đòi nợ” vậy. Để đòi nợ, bạn chỉ cần yêu cầu ông giám đốc (vì vị này viết giấy “nhận nợ”) trả tiền cho bạn. Nếu không được thì bạn không còn đường nào khác hơn là nộp đơn kiện đòi nợ tới tòa án.

Chúng tôi muốn khuyên bạn là : nếu số tiền “góp vốn” của bạn là lớn (trên vài trăm triệu), bạn nên nhờ một luật sư xem xét và có hướng tư vấn giải quyết cụ thể và hiệu quả hơn. Chẳng hạn như xem xét xem vị giám đốc nọ có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay không ?

Bạn cũng nên mua một cuốn Luật doanh nghiệp ở nhà sách gần nhất và đọc kỹ phần “công ty cổ phần” để hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan.

Chúc bạn mọi việc tốt đẹp, thuận lợi. www.ecolaw.vn

Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do luật sư của công ty luật Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – Địa chỉ tin cậy của mọi người
23 Lê Lư, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn