Tuesday, June 12, 2018

Đơn đề nghị giám định lại về thương tật

Tỷ lệ thương tật, trong nhiều trường hợp, là cơ sở để đánh giá, xác định có hành vi phạm tội hay không. Chẳng hạn, nếu hai người đánh nhau, mà một người bị xác định (thông qua Kết luận giám định) tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì người đánh sẽ bị truy tố về tội cố ý gây thương tích.

Ngoài ra, để xác định chính xác nguyên nhân gây ra thương tích, người ta cũng tiến hành giám định. Trên cơ sở đó, xác định một cách khách quan về các tình tiết trong vụ án, từ đó truy tố, xét xử một cách công bằng, đúng pháp luật. Tuy nhiên, không phải bao giờ Kết luận giám định cũng chính xác, đầy đủ. Do vậy, pháp luật tố tụng hình sự qui định đương sự có quyền yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại. Dưới đây là một Đơn đề nghị giám định lại về thương tật mà công ty luật Ecolaw đã soạn thảo cho khách hàng của mình.

---------------------------------


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP.HCM, ngày X tháng 7 năm 2017

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIÁM ĐỊNH LẠI
( V/v: Giám định thương tật đối với bà Trần Ngọc Tr.)

Kính gửi :     CƠ QUAN ĐIỀU TRA CÔNG AN QUẬN G.
                       VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN QUẬN G.

Tôi là: LÊ HOÀNG XX, sinh 19XX.
Địa chỉ: XXX, TP. HCM.
Là bị cáo – trong vụ án “Cố ý gây thương tích” theo bản Cáo trạng số XX/KSĐT ngày XX-4-2017 của VKSND quận G.

Vừa qua, TAND Q. G. đã ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Vụ việc đang được Công an quận G. điều tra bổ sung. Nay tôi có đơn này, kính đề nghị Qúi cơ quan xem xét và tiến hành giám định lại về tỷ lệ thương tật của bà Trần Ngọc Tr. – người bị hại trong vụ án. Vì tôi cho rằng kết quả giám định không khách quan, và cũng không phù hợp với tình tiết của vụ án.

Cụ thể như sau:

Nguyên tôi bị truy tố theo bản Cáo trạng số XX/KSĐT ngày XX-4-2017 của VKSND quận G, về tội “cố ý gây thương tích”.

Theo bản Cáo trạng, về việc xác định tỷ lệ thương tật của bà Tr. căn cứ vào Bản giám định số XX/TgT.11 ngày X-9-2016 của Trung tâm pháp y - Sở Y tế TP.HCM. Kết luận bà Tr. bị “chấn thương đầu, mặt gây sưng nề, rách da mi mắt trái, gãy xương chính mũi, hiện còn sẹo nhỏ kích thước 0,6 x 0,1cm tại mi trên mắt trái ổn định, tỷ lệ thương tật 11 % vĩnh viễn”.

Qua kết luận như trên, tôi có ý kiến như sau:

- Bản kết luận trên chỉ là chung chung, không nêu rõ vết thương nào tương ứng với tỷ lệ thương tật bao nhiêu. Không nêu rõ dựa trên căn cứ nào ? (theo tôi biết bà Tr. chỉ nằm viện khoảng 5 ngày. Trong khi đó trên 1 tháng rưỡi sau mới tiến hành giám định.

- Như đã khai tại cơ quan điều tra, tôi không có đánh vào mũi của bà Tr.. Khi xảy ra xô xát, bà Tr. đè tôi xuống ghế salon, một tay nắm tóc tôi ghì xuống mặt ghế, một tay đánh vào mặt tôi. Khi đó, tôi có lấy được cái remode và quơ ngược lên trên, không trúng mặt bà Tr.

- Sau khi đánh nhau với tôi, bà Tr. còn đánh nhau với 3 người khác nữa là Trần Th., Lý Ng., Phạm B.. Những người này đều có đánh vào mặt bà Tr..

- Theo tôi thấy, bà Tr. chỉ nằm viện vào ngày và khi tôi vào bệnh viện đều thấy bà Tr. bình thường, không có gì là trầm trọng. Bà Tr. còn cho biết đã làm thẩm mỹ mũi chi phí 6 triệu đồng. Cho tới nay, bà Tr. chưa hề cung cấp bất kỳ chứng từ, toa thuốc nào có liên quan đến việc điều trị thương tích.

- Tôi có đi hỏi nhiều bác sĩ, đều được trả lời là thuật ngữ “gãy xương chính mũi” là gãy xương lá mía. Đây là loại chấn thương dạng nhẹ, nếu không điều trị gì thì cũng tự lành. Chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, không ảnh hưởng đến sức khỏe lao động. Bác sĩ cũng cho rằng nếu đã khắc phục (mổ thẩm mỹ) thì xem như đã hoàn toàn bình phục, không thể xem là “thương tật vĩnh viễn”.

- Thời gian qua, bà Tr có nhiều lần nói qua bạn bè là đã “chạy” kết quả giám định.

Qua những điều trình bày trên, tôi cho rằng kết quả giám định thương tật đối với bà Tr là không khách quan, có nhiều dấu hiệu bất thường. Đặc biệt là không có căn cứ để nói rằng thương tật của bà Tr. là do tôi gây ra. Tại sao nhiều người đánh nhau với bà Tr., tôi chỉ là người đầu tiên đánh nhau - lại phải một mình gánh chịu toàn bộ trách nhiệm, gánh chịu trách nhiệm hình sự? Điều này là không đúng thực tế, và quá oan ức và không công bằng đối với tôi.

Theo quy định tại Điều 214 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 qui định: “Bị can có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định, đề nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại”. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, cũng như để việc giải quyết vụ án được công bằng, khách quan - nay tôi có đơn này, kính đề nghị Qúi cơ quan xem xét giải quyết cho yêu cầu sau:

- Ra Quyết định giám định lại về thương tật bà Trần Ngọc Tr.

- Đồng thời, xác định rõ trong tỷ lệ thương tật của bà Tr. – thì hành vi của tôi tương ứng gây ra thương tích bao nhiêu %?

Kính mong được Qúi cơ quan xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Tôi xin chân thành cám ơn.

                                                                                                    Kính đơn

 -----------

* Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Trong một vụ án hình sự kết luận giám định có thể được dùng làm căn cứ để kết luận một người có phạm tội hay không. Chẳng hạn kết luận về tỷ lệ thương tật, kết luận về nguyên nhân chết, ...vv. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm tuyệt đối rằng kết luận giám định đang có trong hồ sơ là chính xác 100%. Chính vì vậy, pháp luật quy định bị can, luật sư ... có quyền đề nghị giám định lại (như thể hiện trong nội dung lá đơn) - nếu có cơ sở hoặc thậm chí cảm thấy kết luận giám định không/chưa chính xác, có thể gây oan cho mình.

2. Về nguyên tắc, thẩm quyền cho phép giám định lại hay không thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng (Viện kiểm sát, Toà án). Nếu đồng ý, các cơ quan này sẽ ra Quyết định trưng cầu giám định lại. Nếu không đồng ý, thì sẽ trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

3. Nói chung, vì việc đề nghị giám định lại là một quyền, nên bị can hoặc đương sự (những người có quyền đề nghị giám định lại - quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự), thường sử dụng quyền này, để bảo đảm kết quả giám định được thực sự khách quan. Hoặc cũng có thể cho những mục đích khác.

---------------

Bài liên quan:
  • Giám định bổ sung, giám định lại trong tố tụng hình sự
  • Bản kết luận giám định