Friday, August 29, 2014

Muốn ly hôn vì mâu thuẫn với mẹ chồng


Hỏi: Tôi đang rơi vào hoàn cảnh bế tắc, rất cần một lời khuyên của luật sư, xin cho tôi một lời khuyên.

Tôi kết hôn năm 2005, có hai cháu gái sinh 2007 và 2010 (hiện đang được 7th tuổi). Chúng tôi sống với nhau ban đầu rất hạnh phúc, nhưng mâu thuẫn ngày càng phát sinh.


Hai vợ chồng tôi đều tốt nghiệp Đại học. Bố mẹ tôi lo cho tôi ăn học và cuộc sống cũng tương đối. Nhưng nhà chồng tôi chỉ làm nông nghiệp, nợ nần chồng chất. Khi tôi làm dâu, mẹ chồng nói là nợ 100tr là tiền mà chồng tôi học 5 năm đại học. Nhưng tôi biết rằng đó là tiền học của chồng, tiền xây nhà của bố mẹ chồng, tiền lo cho anh trai chồng và cô em chồng học nghề, cưới hỏi...

Chúng tôi đi làm lương 2 vợ chồng được 5-6tr, lo cho 2 vợ chồng và con cái, lại hàng tháng biếu bố mẹ chồng để chi tiêu và thuốc men, lễ tết... vì thế sau 5 năm chung sống, số nợ đó vẫn còn non nửa. Mọi việc phát sinh ở quê chồng, chồng tôi ghánh vác hết, từ sửa sang nhà cửa, hiếu hỷ, ốm đau ... Ngay cả khi nhà tôi đang nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, nhưng chồng tôi lấy tiền lương của anh cho anh trai và em gái mua máy để làm mộc, không cho tôi biết. Đến khi không đưa tiền lương cho tôi chi tiêu thì tôi mới biết là anh đã cho em gái và anh trai, rồi còn nói: đó là tiền của anh, việc của anh. Trong khi đó, anh trai chồng tôi ở cùng khu đất với bố mẹ, nhưng chỉ biết lo cho gia đình riêng, kể cả 5 năm chồng tôi học đại học, anh ấy cũng không hề cho thằng em lấy 1000đ, chưa hề biếu tiền hỗ trợ bố mẹ ăn uống. Tôi thấy rất bất mãn về cách bố mẹ chồng tôi, hễ có việc gì thì chỉ có chồng tôi.

Bố mẹ đẻ tôi thấy 2 vợ chồng thuê nhà chật hẹp nên đã cho tiền để vợ chồng tôi mua 1 căn nhà nhỏ (120tr). Vì kinh tế bố mẹ đẻ tôi như vậy nên mẹ chồng tôi luôn mang mặc cảm nhà nghèo, nên tôi nói luôn phải ý tứ, nhưng luôn bị bà bắt bẻ là xỏ xiên nhà bà nghèo, khinh bà. Bà từ quê lên trông cháu cho tôi, cái gì bà làm bà cũng đều cho là đúng, có góp ý thì bà bảo: tao trông mấy đứa cháu làm gì mà không biết. Rồi bà không nói với tôi nhưng lại ra hàng xóm bảo tôi là mất dậy, dám hỗn hào với bà, dậy bảo bà.

Năm nay Công ty tôi và chồng tôi làm đều khó khăn, tôi lại sinh cháu thứ 2 nên 2 vợ chồng không có nhiều tiền gửi về cho ông bà như năm trước. Thế là bà nói với hàng xóm là chúng tôi không báo hiếu bà, rằng bà nọ bà kia được con cho đi chơi, mua này nọ, rồi bắt chồng tôi chuyển sang Công ty khác. Chị dâu tôi ở nhà bảo bà là mẹ chồng ghê ghớm nhất xóm, lúc đầu tôi ko tin nhưng khi bà lên bế cháu cho vợ chồng tôi thì càng ngày tôi càng thấm thía. Bà bế đứa thứ 1 cho tôi, đến khi bế đứa thứ 2 thì luôn mồm bảo bà nội là nhất, bà ngoại không đỡ đần được gì, rồi bảo với chồng tôi là không nhờ gì được đằng ngoại, rồi còn bảo với con gái lớn của tôi: bà ngoại chết đi cháu càng được ăn cỗ. Mẹ đẻ tôi tuy đã về chế độ 41, nhưng vẫn đi làm thêm nên không thể nghỉ bế cháu được, và vì em gái tôi vẫn đang học Đại học năm cuối. Mẹ đẻ tôi bảo: nhà con khó khăn, bà nội lên bế cháu cho, mẹ thì đi làm thêm để hỗ trợ các con về kinh tế thì mới bớt khổ được. Nhưng mẹ chồng tôi đâu có biết, luôn trách móc ông bà ngoại không lên bế cháu cho bà, mà bà ở quê thì các cháu đã lớn, ruộng thì có 1.5 sào.

Nếu mẹ chồng như thế nhưng được lời động viên của chồng thì tôi sẽ an tâm, nhưng chồng tôi đi làm tối ngày, 1 tuần chỉ về nhà 1-2 lần và nghe lời mẹ, chì chiết ông bà ngoại, tôi có nói lại thì đánh tôi. (mẹ chồng tôi bảo: chồng mày nói thế nào cũng được, còn mày không được cãi).

Sau nhiều lần như vậy, tôi thấy cuộc sống thật nặng nề, hễ 2 vợ chồng tôi cãi nhau, bà lại nói với chồng tôi: ngu chưa con ơi, không nghe mẹ khổ chưa con ơi (ngày trước bố mẹ đẻ tôi thấy nhà chồng hoàn cảnh quá nên không cho tôi yêu anh, việc này chồng tôi cũng kể với mẹ nên mẹ chồng tôi ngày ấy cũng phản đối chúng tôi yêu nhau), chúng mày không ở được với nhau thì ly dị.

Tôi biết là ly hôn thì các con tôi sẽ thiệt thòi, nhưng tôi không thể sống mãi như vậy được. Chúng tôi lấy nhau 5 năm hiện tài sản có 1 ngôi nhà (ông bà ngoại cho), 1 tủ lạnh và 1 bình nóng lạnh (ông bà ngoại cho) và 1 ti vi và 1 máy giặt là có giá trị. Về tài sản, tôi không quan tâm lắm, sẽ tuỳ toà án định đoạt.

Nhưng tôi băn khoăn nhất là quyền nuôi 2 cháu. Vì nhà tôi đi làm tối ngày, lúc về thì chỉ có ngủ và xem ti vi, hoặc đi bạn bè nên con lớn của tôi không quấn bố, làm gì cũng chỉ có mẹ, con thứ 2 của tôi thì còn bé.

Tôi rất muốn nuôi cả 2 cháu, vì 2 cháu rất quấn mẹ, bố có hỏi thì đứa lớn cũng chỉ trả lời là: yêu mẹ. Chúng tôi đã có 2 con nhưng chồng tôi tắm cho con chắc được 2-3 lần, chưa đút cho con ăn 1 bữa nào hoàn chỉnh, chưa trông con 1 ngày nào mà chỉ có 2 bố con...

Thu nhập của tôi tuy chỉ bằng 2/3 chồng, nhưng bố mẹ đẻ tôi có thể hỗ trợ thêm, còn chồng tôi tuy thu nhập cao hơn một chút nhưng lại ghánh nặng nợ nần, bố mẹ. Và công việc luôn phải đi xa nhà. Chúng tôi đã tranh luận và chồng tôi muốn nuôi đứa lớn và cho nó về quê với ông bà nội một thời gian. Tôi không muốn con xa rời bố mẹ, nhưng vì hoàn cảnh thôi nên tôi càng không muốn con về quê xa bố và ở với ông bà. Vì vậy tôi rất mong luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Nguyen Ph.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời :

Bạn đã gửi cho chúng tôi một lá thư thật dài, gần như là đã trút hết những nỗi tâm tư, khổ đau của bạn. Câu hỏi của bạn cũng không có nhiều yếu tố thiên về pháp lý, mà giống như một lời tâm sự, mong tìm thấy sự chia sẻ, cảm thông.

Lẽ ra, chúng tôi sẽ cắt ngắn lá thư của bạn, vì nó giống và phù hợp với mục “tâm sự” trên các báo thì đúng hơn. Nhưng chúng tôi quyết định giữ nguyên, vì gần đây chúng tôi cũng nhận được khá nhiều lá thư kể về hoàn cảnh của cá nhân, gia đình … điều đó cho thấy cuộc sống thật không đơn giản và luôn tràn đầy những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.

Cá nhân tôi thật khó có thể đưa ra một lời khuyên phù hợp cho bạn. Vì cho dù bạn kể 100% là sự thật, thì đúng sai, phải trái thế nào cũng thật khó đánh giá và phụ thuộc nhiều vào việc người “bình bàn” thuộc “phe” nào: phe vợ hay phe chồng.

Tuy nhiên, qua kinh nghiệm sống của mình, tôi cũng chia sẻ với bạn một số ý kiến, nhìn nhận của tôi về vấn đề này như dưới đây.

Tôi nghĩ rằng chuyện nàng dâu mẹ chồng là câu chuyện muôn thuở. Theo lẽ thông thường, nàng dâu thường không ưa mẹ chồng. Ngược lại, mẹ chồng cũng thường không ưa nàng dâu. Để giải quyết vấn đề này, có lẽ cần phải có tình yêu thương và sự thông cảm, thông hiểu giữa hai bên. Có khi nào chúng ta tự hỏi : tại sao mẹ chồng lại hay ghét nàng dâu ? Mẹ ruột của ta có ghét nàng dâu của mình hay không? Vì sao?

Có một câu chuyện vui về vấn đề này. Một bà mẹ vừa có dâu vừa có rể. Trong khi con gái bà rất lười biếng, không biết làm gì, suốt ngày toàn do chồng giặt giũ quần áo, đút cho con ăn … - thì bà khen là con gái bà khôn, biết chọn chồng và hết lời khen chàng rể. Ngược lại, con trai bà lấy một cô vợ và tình cảnh cũng “y chang” như cô con gái : tức là con trai bà phải giặt giũ quần áo, đút cho con ăn trong khi cô vợ suốt ngày coi TV. Thế là bà chửi con trai là ngu, là dốt, bị vợ bắt nạt, con dâu lười biếng…

Trong hôn nhân, người xưa vẫn có câu : nồi nào vung nấy, ý chỉ tới việc ngoài chuyện tình cảm, thì quan hệ gia đình giữa hai bên cũng nên phù hợp với nhau. Ở đây, mẹ chồng bạn là người dân quê, nên chắc chắn lối suy nghĩ, hành xử, dạy dỗ con cháu … cũng theo lối chân quê, bỗ bã và hiển nhiên là nhiều khi không phù hợp với quan niệm, cách suy nghĩ của giới trẻ trí thức bây giờ. Đây là tình trạng chung trong rất nhiều gia đình. Chúng ta phải biết chấp nhận và tự giải quyết sao cho ổn thỏa.

Bạn có thể đã có nhiều sai lầm khi đi đến hôn nhân: đã biết là cha mẹ hai bên không phù hợp, đã biết là gia đình chồng nghèo, nhà nông, đông anh em … mà vẫn cưới. Như vậy, kết quả hôm nay không phải là quá bất ngờ.

Bạn đã nói thời gian đầu cuộc sống gia đình thật hạnh phúc. Và nay thì lại không hạnh phúc, căng thẳng, mâu thuẫn … - chủ yếu và hầu như duy nhất là do mẹ chồng. Điều đó liệu có xác đáng không ? Mặt khác, bạn cũng cần hiểu rõ là bạn chỉ có thể có hai lựa chọn: hoặc là phải dung hòa, chấp nhận sự “tồn tại” của mẹ chồng hoặc là ly hôn.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, ly hôn chưa chắc là giải pháp tốt cho bạn và càng không tốt cho các con của bạn. Bạn nên cố gắng dung hòa, tìm ra phương cách để có thể “chung sống trong yêu thương” với mẹ chồng – ít nhất là trong một thời gian nữa. Tại sao bạn có thể yêu thương được chồng bạn, mà không thể yêu thương, thông cảm và thân ái với chính người đã sinh ra chồng bạn?

Mặt khác, bạn cũng nên trao đổi thẳng thắn quan điểm, nguyện vọng của bạn với chồng. Qua những thông tin của bạn, tôi thấy rằng chồng bạn là một người có trách nhiệm với gia đình, có hiếu với cha mẹ. Tiền bạc chồng bạn làm ra, tuy không dành hết được cho vợ cho con, nhưng cũng không phải là sử dụng vào những việc xấu (như rượu chè, cờ bạc, trai gái …vv) mà là giúp ích cho gia đình mình. Như vậy, cũng không hẳn là sai trái, lỗi lầm đến mức nghiêm trọng.

Tuy nhiên, chồng bạn quả thật ít chăm sóc vợ và các con. Có lẽ bạn nên nói thẳng những điều này với chồng và đề nghị chồng bạn nên dành nhiều thời gian và cả tiền bạc hơn cho gia đình mình (gồm bạn và hai con), đồng thời đề nghị chồng bạn “tư vấn” cho giải pháp “chung sống với mẹ chồng”.

Nói tóm lại, theo ý tôi thì lúc này bạn nên “đấu tranh” vì hạnh phúc của mình, của gia đình mình và các con. Bạn chỉ nên nghĩ đến chuyện ly hôn như là tình thế cuối cùng. Trong tất cả các cuộc hôn nhân, ly hôn đồng nghĩa với sự đổ vỡ và thất bại. Thật khó có thể nói là bạn sẽ tìm được hạnh phúc mới sau khi đã ly hôn.

Riêng câu hỏi của bạn về quyền nuôi con khi ly hôn, chúng tôi đề nghị bạn xem thêm trong bài “quyền nuôi con khi ly hôn” là rõ. Tòa án sẽ có phán quyết phù hợp với thực tế.

Mong bạn tìm thấy một vài điều hữu ích từ những lời trao đổi trên đây. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Hôn nhân gia đình – Quyền trẻ em”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn