Nay công ty tôi có xảy ra đình công và người lao động đã tự ý bỏ việc đang làm và tiếp theo những ngày sau cũng không đến làm việc nữa. Theo đó, công ty đã dán thông báo trước cổng công ty nếu cá nhân nào tự ý bỏ việc 05 ngày sẽ chịu hình thức sa thải. Vậy trường hợp này áp dụng hình thức sa thải có đúng luật không? Xin chân thành cảm ơn. (Vu Thi Thu H.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Tại Điều 126 Bộ luật lao động (năm 2012) qui định rõ về các trường hợp sa thải. Theo đó, không có trường hợp người lao động bị sa thải khi tham gia đình công. Cụ thể như sau:
Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;
3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng. Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Ngoài ra, tại Điều 219 Bộ luật lao động (2012) còn quy định về những điều cấm, liên quan đến đình công như sau:
Điều 219. Hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công
1. Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.
2. Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.
3. Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.
4. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.
5. Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.
Như vậy, nói một cách tóm gọn là: nếu người lao động tham gia đình công thì sẽ không bị xử lý kỷ luật lao động, không bị sa thải (là một hình thức kỷ luật lao động).
Tuy nhiên, nếu đã kết thúc cuộc đình công, mà người lao động vẫn không đi làm, thì có thể xem là trường hợp "tự ý bỏ việc". Và nếu tự ý bỏ việc quá 5 ngày cộng dồn trong một tháng thì công ty bạn có quyền sa thải người vi phạm - theo quy định tại Điều 126 Bộ luật lao động (2012) nói ở trên.
Tất nhiên, quá trình giải quyết, xử lý kỷ luật lao động của công ty cũng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Tức là phải tiến hành phiên họp xử lý kỷ luật lao động. Chúc bạn thành công trên cương vị Trưởng phòng nhân sự của mình. Thân mến.www.ecolaw.vn