Nếu quí vị đang có ý định xây dựng nhà thì đây là bài viết cần quan tâm. Khi nào cần phải có giấy phép xây dựng (GPXD). Nói chung, trước khi tiến hành khởi công xây công trình nhà ở phải có GPXD do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoại trừ các công trình sau đây:
- Công trình thuộc bí mật Nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính...
- Nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung; nhà ở riêng lẻ tại các điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt.
Điều kiện để được xin cấp GPXD:
Việc cấp GPXD công trình trong đô thị phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Phù hợp với quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt;
- Bảo đảm các quy định về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; thiết kế đô thị; các yêu cầu về an toàn đối với công trình xung quanh; bảo đảm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thuỷ lợi, di tích lịch sử - văn hoá …
- Công trình sửa chữa, cải tạo không được làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận về kết cấu, khoảng cách đến các công trình xung quanh, cấp nước, thoát nước, thông gió, ánh sáng, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, nổ;
Hồ sơ xin cấp GPXD gồm
1. Đối với công trình và nhà ở đô thị, gồm:
- Đơn xin cấp GPXD : theo mẫu (đối với nhà ở, mẫu đơn phải được UBND địa phương xác nhận). Số lượng : 01.
- Bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất : Số lượng : 01 bộ, có công chứng. Gồm :
Quyết định giao đất, cho thuê đất.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trích lục bản đồ địa chính khu đất.
- Bản vẽ thiết kế. Số lượng : 03 bộ. Gồm:
Sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình.
Sơ đồ mặt bằng xây dựng công trình (mặt bằng tổng thể)
Mặt bằng các tầng, các mặt cắt, mặt đứng điển hình của công trình.
Mặt bằng móng của công trình, mặt cắt ngang chi tiết móng điển hình.
Sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước.
2. Nhà ở nông thôn, gồm:
- Đơn xin cấp GPXD (theo mẫu).
- Bản sao một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất có chứng nhận của UBND xã.
- Sơ đồ mặt bằng xây dựng công trình trên lô đất và các công trình liền kề nếu có do chủ nhà ở đó tự vẽ theo mẫu.
Thẩm quyền cấp GPXD:
1. UBND tỉnh uỷ quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng: đối với các công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I; công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử - văn hoá; công trình tượng đài, quảng cáo, tranh hoành tráng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý; những công trình trên các tuyến, trục đường phố chính trong đô thị; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; công trình thuộc dự án và các công trình khác do UBND cấp tỉnh quy định.
2. UBND cấp huyện: các công trình còn lại và nhà ở riêng lẻ ở đô thị thuộc địa giới hành chính do huyện quản lý, trừ các đối tượng quy định tại điểm 1 nêu trên.
3. UBND xã: công trình nhà ở riêng lẻ tại những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được duyệt thuộc địa giới hành chính do xã quản lý.
Nơi nhận hồ sơ: Phòng cấp phép - tại trụ sở UBND các cấp.
Thời gian cấp GPXD:
- Đối với công trình : không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Đối với nhà ở riêng lẻ : không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Sau thời hạn nêu trên nếu cơ quan cấp phép xây dựng không có ý kiến trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối không cấp GPXD khi đã đủ các điều kiện về GPXD thì người xin phép xây dựng làm đơn báo UBND cấp xã, phường và được quyền khởi công xây dựng công trình.
Điều chỉnh và gia hạn GPXD :
Khi có nhu cầu điều chỉnh thiết kế xây dựng công trình khác với nội dung GPXD đã được cấp, chủ đầu tư phải xin điều chỉnh GPXD trước khi thi công xây dựng công trình theo nội dung điều chỉnh.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp GPXD mà công trình chưa khởi công thì người xin cấp GPXD phải xin gia hạn GPXD.
Những vấn đề cần quan tâm
Người xin cấp GPXD có các quyền sau đây:
- Yêu cầu cơ quan cấp GPXD giải thích, hướng dẫn và thực hiện đúng các quy định về cấp GPXD;
- Khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp GPXD
- Được khởi công xây dựng công trình nếu sau thời gian quy định mà cơ quan cấp giấy phép không có ý kiến trả lời bằng văn bản.
Người xin cấp giấy phép xây dựng có các nghĩa vụ sau đây:
- Nộp đầy đủ hồ sơ và lệ phí cấp GPXD;
- Chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ xin cấp GPXD;
- Thông báo ngày khởi công xây dựng bằng văn bản cho UBND xã nơi xây dựng công trình trong thời hạn 7 ngày làm việc trước khi khởi công xây dựng công trình;
- Thực hiện đúng nội dung của GPXD; khi có sự điều chỉnh, thay đổi thiết kế phải được sự chấp thuận của cơ quan cấp GPXD.
Tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản sau đây:
- Bảo đảm xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế; bảo đảm mỹ quan công trình, bảo vệ môi trường và cảnh quan chung; phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hoá, xã hội của từng địa phương; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh;
- Tuân thủ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng;
- Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng con người và tài sản, phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường;
Trong hoạt động xây dựng nghiêm cấm các hành vi sau đây:
- Xây dựng công trình nằm trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hoá và khu vực bảo vệ các công trình khác.
- Xây dựng công trình sai quy hoạch, vi phạm chỉ giới, cốt xây dựng; không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp;
- Xây dựng công trình không tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng;
- Vi phạm các quy định về an toàn tính mạng con người, tài sản và vệ sinh môi trường trong xây dựng;
- Cơi nới, lấn chiếm không gian, khu vực công cộng, lối đi và các sân bãi khác đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố;
-----------------------------------------------
Văn bản pháp luật liên quan:
* Luật xây dựng
* Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
* Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 sửa đổi, bổ sung Nghị định số16/2005;
* Thông tư 02/2007/TT-BXD ngày 14-2-2007 của Bộ xây dựng hướng dẫn Nghị định 16/2005 và Nghị định 112/2006.
Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của
công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham
khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp
quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu
“Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc nội
dung pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý
: bài viết trên thuộc lĩnh vực: Thủ tục Hành chính - Pháp lý
|
CÔNG
TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận
10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com -
website: www.ecolaw.vn
|