Tuesday, July 29, 2014

Cuộc bán đấu giá thực hiện như thế nào?

Luật sư Trần Hồng Phong

Tháng 3-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2010 quy định về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản và các vấn đề liên quan. Tổ chức bán đấu giá tài sản là một nghề kinh doanh, một dịch vụ mà các doanh nghiệp có thể tham gia. Bài viết này chủ yếu là trả lời câu hỏi : một cuộc bán đấu giá tài sản được thực hiện như thế nào?

Hoa hậu Mai Phương Thúy đang giới thiệu một bức tranh được bán đấu giá (ảnh minh họa)




                                             
Về nguyên tắc, việc bán đấu giá tài sản được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Mọi cuộc bán đấu giá đều phải do đấu giá viên điều hành theo đúng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản quy định.

Tài sản nào có thể bán đấu giá?

- Tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án;

- Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

- Tài sản bảo đảm trong trường hợp pháp luật về giao dịch bảo đảm quy định phải xử lý bằng bán đấu giá; ( Tức là tài sản thế chấp, cầm cố …)

- Tài sản nhà nước được xử lý bằng bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

- Quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Hợp đồng bán đấu giá tài sản 

Người có tài sản bán đấu giá sẽ lựa chọn Tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp ( tức là các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Công ty bán đấu giá tài sản)… - để bán đấu giá tài sản.

Để có cơ sở tiến hành bán đấu giá, tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá (hoặc người đại diện của người đó) phải ký hợp đồng bán đấu giá tài sản. Riêng đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện căn cứ quyết định tịch thu và biên bản chuyển giao tài sản để tổ chức bán đấu giá mà không phải ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản.

Trước khi ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản hoặc trước khi chuyển giao tài sản để bán đấu giá, tài sản bán đấu giá phải được xác định giá khởi điểm. Việc xác định giá khởi điểm đối với từng loại tài sản đấu giá được Nghị định quy định khá rõ ràng. Trong một số trường hợp cần thiết khi có yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật, tài sản bán đấu giá sẽ được giám định .

Hợp đồng bán đấu giá tài sản có các nội dung chính sau đây:

- Tên, địa chỉ của người có tài sản bán đấu giá & Tổ chức bán đấu giá tài sản;

- Liệt kê, mô tả tài sản bán đấu giá; giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá;

- Thời hạn, địa điểm bán đấu giá tài sản; phương thức giao tài sản để bán đấu giá và phương thức thanh toán tiền bán tài sản trong trường hợp bán đấu giá thành;

- Phí, chi phí bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán đấu giá thành và chi phí bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán đấu giá không thành;

- Quyền, nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

Thông báo bán đấu giá & đăng ký tham gia đấu giá 

Sau khi đã ký hợp đồng, tổ chức bán đấu giá tài sản niêm yết việc bán đấu giá tài sản là động sản tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản và nơi đặt trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản chậm nhất là 7 ngày trước khi tiến hành bán đấu giá.

Đối với bất động sản, tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá.

Đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo, truyền hình ...).

Người tham gia đấu giá tài sản khi đăng ký tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.

Sau khi đăng ký, người tham gia đấu giá được quyền xem và biết các thông tin liên quan về tài sản đấu giá. Đối với tài sản bán đấu giá là bất động sản thì người tham gia đấu giá tài sản được trực tiếp xem tài sản từ khi niêm yết và thông báo công khai cho đến trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản hai ngày.

Cuộc bán đấu giá được tổ chức như thế nào ?

Tổ chức bán đấu giá tài sản có thể lựa chọn một trong các hình thức đấu giá sau đây để tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản:

- Đấu giá trực tiếp bằng lời nói;

- Đấu giá bằng bỏ phiếu;

- Các hình thức khác do người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản thỏa thuận.

Nói chung, một cuộc bán đấu giá tài sản phải được tiến hành liên tục theo trình tự sau đây:

1.Mở đầu cuộc bán đấu giá tài sản, đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá giới thiệu bản thân, người giúp việc; thông báo nội quy của cuộc bán đấu giá tài sản; công bố danh sách người đăng ký mua tài sản bán đấu giá và điểm danh để xác định người tham gia đấu giá tài sản; giới thiệu từng tài sản bán đấu giá; nhắc lại giá khởi điểm; thông báo bước giá và khoảng thời gian tối đa giữa các lần trả giá (nếu có); trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá;

2. Đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá tài sản trả giá. Sau mỗi lần người tham gia đấu giá tài sản trả giá, đấu giá viên thông báo công khai về giá đã trả cho những người tham gia đấu giá tài sản;

3. Nếu sau ba lần đấu giá viên nhắc lại giá cao nhất đã trả mà không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên công bố người mua được tài sản bán đấu giá. Sau khi đấu giá viên công bố, người mua được tài sản bán đấu giá được coi là đã chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá.

Các tình huống có thể xảy ra 

Trong trường hợp giá trả cao nhất được công bố thấp hơn so với giá khởi điểm thì cuộc bán đấu giá tài sản coi như không thành.

Trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu, nếu có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất, thì đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá. Nếu không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá.

Diễn biến của cuộc bán đấu giá tài sản phải được ghi vào biên bản bán đấu giá tài sản. Biên bản bán đấu giá tài sản phải có chữ ký của đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản, người ghi biên bản, một người tham gia đấu giá và một người tham dự cuộc bán đấu giá (nếu có).

Kết quả cuộc bán đấu giá tài sản được ghi vào Sổ đăng ký bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản thành thì đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản lập hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá.

Tùy từng trường hợp bán đấu giá tài sản cụ thể hoặc theo yêu cầu của người có tài sản bán đấu giá thì tổ chức bán đấu giá tài sản mời tổ chức, cá nhân có liên quan đến tham dự cuộc bán đấu giá.

Tại cuộc bán đấu giá tài sản, người đã trả giá cao nhất mà rút lại giá đã trả trước khi đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá công bố người mua được tài sản thì cuộc bán đấu giá vẫn tiếp tục và bắt đầu từ giá của người trả giá liền kề trước đó. Trong trường hợp không có người trả giá tiếp thì cuộc bán đấu giá coi như không thành.

Người rút lại giá đã trả bị truất quyền tham gia trả giá tiếp và không được hoàn trả khoản tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước của người rút lại giá đã trả thuộc về tổ chức bán đấu giá tài sản.

Tại cuộc bán đấu giá, khi đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua.

Đối với cuộc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, trong trường hợp từ chối mua nêu trên mà có từ hai người trở lên cùng trả giá liền kề, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua thì tài sản được bán cho một trong hai người trả giá liền kề đó, sau khi đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá.

Trong trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối mua thì cuộc bán đấu giá coi như không thành.

Trong trường hợp người trả giá liền kề không đồng ý mua thì cuộc bán đấu giá coi như không thành.
Khoản tiền đặt trước của người từ chối mua theo quy định tại khoản 1 Điều này thuộc về người có tài sản bán đấu giá.

Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá 

Sau khi kết thúc việc đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá phải ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá tài sản. Hợp đồng này có giá trị xác nhận việc mua bán tài sản bán đấu giá, là cơ sở pháp lý để chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản bán đấu giá. Đối với những tài sản mà pháp luật quy định hợp đồng mua bán phải có công chứng hoặc phải được đăng ký, thì hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá phải phù hợp với quy định đó.

Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá phải có các nội dung chính sau đây:

- Tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá tài sản, đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản, người có tài sản bán đấu giá và người mua được tài sản bán đấu giá;

- Thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản;

- Tài sản bán đấu giá, giá khởi điểm và giá bán tài sản;

- Thời hạn, phương thức, địa điểm thanh toán tiền mua tài sản đã bán đấu giá; thời hạn, địa điểm giao tài sản đã bán đấu giá cho người mua được tài sản bán đấu giá.

- Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ của các bên.

Đấu giá không thành & hủy kết quả đấu giá

Trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành, thì tổ chức bán đấu giá tài sản trả lại tài sản cho người có tài sản bán đấu giá trong thời hạn chậm nhất là ba ngày làm việc, kể từ ngày bán đấu giá tài sản không thành, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Thời hạn, phương thức, địa điểm thanh toán tiền mua tài sản đã bán đấu giá do tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá thoả thuận trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thời hạn, địa điểm giao tài sản đã bán đấu giá do tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá thoả thuận trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Kết quả bán đấu giá tài sản có thể bị huỷ trong các trường hợp sau đây:

- Do thoả thuận giữa người có tài sản bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với tài sản thi hành án, thì còn phải có thoả thuận của người phải thi hành án;

- Hợp đồng bán đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá bị Toà án tuyên bố vô hiệu hoặc bị huỷ theo quy định của pháp luật dân sự;

- Kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do không thực hiện quy định về việc niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản.

Trong trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc nội dung pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý : bài viết trên thuộc lĩnh vực : Thủ tục Hành chính - Pháp lý  

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn