Saturday, April 30, 2016

Hỏi về Giấy ủy quyền của Tổng giám đốc cho Chi nhánh công ty

Hỏi: Hiện tại tôi đang công tác tại TP.HCM. Xin Luật sư cho tôi hỏi vấn đề này: Tôi muốn hỏi về việc cho số trong giấy uỷ quyền: Công ty tôi thường phân công nhiệm vụ cho các chi nhánh điều thực hiện bằng giấy uỷ quyền. Thường thời hạn uỷ quyền sẽ là 01 năm. Tuy nhiên hiện tại trong năm 2016 thời hạn bổ nhiệm Tổng giám đốc chỉ đến ngày 26 tháng 3 năm 2016. Vì vậy trong giấy uỷ quyền bộ phận phòng Tổ chức – Hành chính cho thời hại là từ ngày 01/01/2016 đến ngày 26/3/2016. Với số uỷ quyền cho từng chi nhánh được ký hiệu từ số 01-2016/UQ, 02-2016/UQ…

Hiện nay Hội đồng quản trị của Công ty đã có nghị quyết mới về việc tái bổ nhiệm tổng giám đốc từ ngày 26/3/2016 đến khi có quyết định mới. Như vậy vấn đề tôi thắc mắc ở đây như sau:

1. Với hai thời hạn uỷ quyền khác nhau như vậy trong cùng 01 năm thì việc cho số giấy uỷ quyền cũ có hợp lệ không?

2.  Với thời hạn ghi trong nghị quyết có phải là thời hạn uỷ quyền vô thời hạn hay không?

3.  Tôi nghĩ việc ghi số GUQ  là để dễ quản lý trong nội bộ văn thư, nhưng trong thực tế việc ghi chung số giấy uỷ quyền có làm mất đi tính pháp lý của GUQ  khi xảy ra tranh chấp hay không? Và trong trường hợp nào thì mình cần thay đổi số giấy uỷ quyền?

Xin chân thành cảm ơn. (N. Tr).

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Về câu hỏi thứ nhất của anh, trước hết chúng ta cần nắm một số nguyên tắc cơ bản nhất về Giấy ủy quyền như sau:

Một là, người ủy quyền phải có thẩm quyền ủy quyền. Tức là họ chỉ có thể ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện những công việc mà pháp luật quy định và lẽ ra mình là người trực tiếp làm. Chẳng hạn như giám đốc công ty ủy quyền cho một nhân viên đại diện mình ra tòa - trong một vụ kiện mà công ty là bị đơn. Như vậy, nếu người đó vì lý do nào đó mà không còn là giám đốc nữa, thì đương nhiên giấy ủy quyền mà người đó ủy quyền - với tư cách là "giám đốc" cũng sẽ kéo theo vô hiệu. Để dễ hình dung, ví dụ ông A là chủ sở hữu một căn nhà, ủy quyền cho ông B trông nom nhà mình trong vòng 1 năm. Nhưng mới được 6 tháng thì ông A lại bán nhà cho người khác. Như vậy từ khi bán nhà ông A không còn là chủ nhà nữa, thì không còn tư cách/quyền năng để có thể ủy quyền cho ông B trông nom một tài sản không thuộc sở hữu của mình.

Hai là, trong việc ủy quyền, luật (Bộ luật dân sự) quy định phải ghi rõ là ủy quyền làm việc gì (nội dung ủy quyền)? Trong thời hạn bao lâu? Như vậy, theo anh nói thì Tổng giám đốc có 2 Giấy ủy quyền, nhưng nếu thời gian ủy quyền trong hai giấy này không “trùng” lên nhau, thì cũng không sao cả. Còn nếu có những nội dung ủy quyền hay thời hạn trùng lên nhau, thì về nguyên tắc giấy ủy quyền lập sau sẽ có giá trị thay thế giấy ủy quyền lập trước. Tất nhiên là với điều kiện cả hai giấy đều có giá trị pháp lý, đúng quy định của pháp luật.

Về câu hỏi thứ hai, cần lưu ý là thời gian mà Hội đồng quản trị ra nghị quyết về việc Tổng giám đốc được tái bổ nhiệm đến một thời điểm nào đó – thì đây là việc “nội bộ” của công ty. Còn ra “bên ngoài”, tức là về mặt pháp lý chính thức, thì mỗi doanh nghiệp lúc nào cũng chỉ có và phải có một vị giám đốc làm người đại diện theo pháp luật (theo quy định mới hiện nay thì doanh nghiệp có thể có nhiều người là “người đại diện theo pháp luật”. Tuy nhiên thực tiễn vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, vướng). Và vị giám đốc này có tên trong Giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp. Còn chuyện vị này làm đến bao giờ hay người khác thay thế (thực hiện theo các nghị quyết của công ty) thì phải làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tại Sở KHĐT.

Tuy nhiên, cho dù ủy quyền “đến khi có quyết định mới” thì chắc chắn cũng không thể là vô thời hạn. Vì rất nhiều lý do. Chẳng hạn như chính lời anh nói, thời gian ủy quyền thông thường là 1 năm. Hoặc là nhiệm kỳ của giám đốc thông thường cũng không quá 5 năm (quy định tại Luật doanh nghiệp). Hết nhiệm kỳ thì phải bầu lại. Cuối cùng, như đã nói ở trên, việc ủy quyền theo quy định của pháp luật bao giờ cũng phải có một thời hạn nhất định. Thời hạn này có thể là về mặt thời gian (1 năm, 2 năm ...), mà cũng có thể là về mặt nội dung (chẳng hạn “cho đến khi thực hiện xong công việc”).

Về câu hỏi thứ ba - các giấy ủy quyền trùng số với nhau. Đúng là việc các văn bản, tài liệu trùng số sẽ gây khó khăn trong quản lý, thiếu khoa học. Trong các cơ quan hành chính Nhà nước nói chung, luật có quy định về việc đánh số các văn bản hành chính. Về nguyên tắc là số tăng, kèm thêm các chi tiết về thời gian, bộ phận ... và không được trùng. Tuy nhiên nếu thực tế như anh nói, thì việc này cũng không làm cho giấy ủy quyền không còn giá trị chỉ vì trùng số. Mặt khác vẫn có nhiều nội dung, chi tiết để có thể phân biệt giữa hai giấy. Chẳng hạn như ngày lập, hay thậm chí là các dấu hiệu khác biệt về mặt hình thức.

Cuối cùng là việc khi nào thì phải “thay đổi” số Giấy ủy quyền, theo tôi đây là vấn đề đơn thuần về mặt kỹ thuật. Nói chung một văn bản hành chính (nói chung) khi đã ban hành, thì hoặc là sẽ bị hủy, bị rút bởi quyết định của người/cơ quan có thẩm quyền. Còn nếu chỉ thuần về việc trùng số, và nếu tự đánh giá như vậy là sai, là không hợp lý, thì có thể ra quyết định “đính chính”. Chứ không phải thích thìa sửa. wwv. www.ecolaw.vn

Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do luật sư của công ty luật Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – Địa chỉ tin cậy của mọi người
23 Lê Lư, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn