Sunday, June 10, 2018

“Hạn mức tín dụng” và “hạn mức giao hàng”

Hỏi: Kính gửi luật sư Ecolaw. Tôi có tình huống muốn hỏi sau đây: Công ty tôi thường bán hàng cho khách hàng theo hình thức gối đầu. Tức là sau khi khách hàng thanh toán xong lô hàng trước thì chúng tôi sẽ bán tiếp lô hàng sau. Số tiền cho khách hàng nợ gối đầu như vậy lâu nay trong hợp đồng ghi là “hạn mức tín dụng”. Nói chung thời gian qua chưa có trường hợp thắc mắc nào. Tuy nhiên nay có một khách hàng mới đề nghị sửa từ “hạn mức tín dụng” thành “hạn mức giao hàng”. Chúng tôi cảm thấy băn khoăn, có điều gì đó chưa đúng về mặt pháp lý. Vậy xin quý luật sư vui lòng giải thích và tư vấn giúp là việc điều chính từ “hạn mức tín dụng” thành “hạn mức giao hàng” có hợp lý không? Xin chân thành cám ơn? (Kh. H).

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

“Tín dụng” là thuật ngữ pháp lý trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Được hiểu là việc cho vay – vay giữa tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng (ngân hàng) và khách hàng. Còn “hạn mức tín dụng” có thể hiểu là mức tối đa của khoản tín dụng mà phía cho vay có thể đáp ứng cho khách hàng.

Trong khi đó, việc công ty bạn bán hàng nợ cho khách hàng, nếu phân tích rạch ròi thực ra không phải là quan hệ tín dụng mà là quan hệ cho nợ tiền mua hàng. Ở đây được hiểu là công ty bạn đồng ý cho khách hàng nợ (chưa thanh toán) tối đa tới một giá trị X nào đó. Nếu quá mức này thì công ty sẽ không giao hàng nữa. Tức là không bán nợ thêm nữa.

Còn nhóm từ “hạn mức giao hàng” theo tôi có lẽ là một “thuật ngữ” do ai đó “sáng tác” ra. Thực chất không phải là một khái niệm pháp lý trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên có thể hiểu là mức giao hàng tối đa có thể. Tức là thuần túy có hàm ý nói về số lượng hàng hóa trong một lần giao hàng. Không phải là chuyện về giá trị, tiền hay quan hệ nợ tiền mua hàng.

Theo tôi, chính xác nhất trong hợp đồng nên ghi rõ là “Hạn mức nợ tiền mua hàng”. Sau đó mình mô tả, diễn giải rõ trong Phụ lục hợp đồng “đây là khoản nợ tiền mua hàng tối đa mà bên bán chấp nhận đối với khách hàng. Nếu quá mức này bên bán sẽ không bán/giao hàng thêm nữa. Và bên mua phải thanh toán tiền mua hàng, bảo đảm luôn giữ ở mức không quá hạn mức nợ cho phép”.

Hoặc du di hơn thì ghi là “Hạn mức tín dụng” cũng có thể chấp nhận được. Chứ mình ghi là “hạn mức giao hàng” sau này nếu có tranh chấp, thì Tòa án cũng sẽ có thể không hiểu hoặc hiểu sai bản chất sự việc. www.ecolaw.vn



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn