Wednesday, June 13, 2018

Giấy ủy quyền (tham dự phiên tòa)


Trong một vụ án dân sự (kinh tế, tranh chấp giữa các doanh nghiệp với nhau), vì những lý do khách quan, Giám đốc (người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) thường ủy quyền cho nhân viên cấp dưới là người đại diện theo ủy quyền của mình, thay mặt và nhân danh công ty làm việc với đối tác và tòa án - trong việc giải quyết vụ án.
Trong trường hợp như vậy, giám đốc phải lập văn bản ủy quyền, với đầy đủ các nội dung có liên quan. Dưới đây là một mẫu Giấy ủy quyền mà công ty luật Ecolaw đã soạn cho khách hàng của mình. Mời Quí vị tham khảo.

-----------------------------------------------

CÔNG TY TNHH XXX                          CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Số : 03/2015/GUQ-XXX                                                    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


GIẤY ỦY QUYỀN
(Đại diện tham gia tố tụng)

Kính gửi:   TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN 9

Công ty TNHH XXX đang là nguyên đơn trong vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa ” với bị đơn là Công ty TNHH SS (Địa chỉ: xxx, Quận 9, TP. HCM). Vụ án đang do TAND Quận 9 thụ lý giải quyết, và có “Giấy triệu tập” đề ngày xxx/2015.

Hôm nay, ngày 6 tháng 9 năm 2015
Tại: Văn phòng Công ty TNHH XXX.

Tôi là XXX - Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH XXX.
Địa chỉ: xxx, Tp. Hồ Chí Minh.
Số CMND: xxxxx cấp tại CA. Tp. Hồ Chí Minh.

Nay bằng văn bản này, tôi ủy quyền cho:

Ông: YYY - là Phó giám đốc công ty TNHH XXX.
Số CMND: yyy cấp tại Tp. Hồ Chí Minh.
Địa chỉ liên hệ: yyy, Tp. Hồ Chí Minh.
Điện thoại: xxxxxx

Nội dung ủy quyền:

1. Ông YYY là người đại diện theo uỷ quyền của công ty TNHH XXX, được quyền tham gia vào quá trình tố tụng, với tư cách là người đại diện của nguyên đơn, trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa ” tại TAND quận 9 và TAND Tp. Hồ Chí Minh - trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án.

2. Trong phạm vi ủy quyền, ông YYY được quyền thay mặt và nhân danh Công ty TNHH XXX  tham dự các phiên tòa xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm), phát biểu quan điểm, tham dự các phiên hòa giải, làm việc với Tòa án và các cơ quan hữu quan, lập và ký tên vào các biên bản, tài liệu, đơn trình bày… . Ông YYY được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án.

3. Thời hạn uỷ quyền: kể từ ngày lập Giấy uỷ quyền này cho đến khi giải quyết xong vụ án (có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án) hoặc chấm dứt theo qui định của pháp luật.

Công ty TNHH XXX cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc uỷ quyền trên.

Giấy ủy quyền này có hiệu lực kể từ ngày ký, được lập thành 4 bản.

                                                                              TM. CÔNG TY TNHH XXX
                                                                                             GIÁM ĐỐC
                                                                                         (ký tên, đóng dấu)

---------------------------------------------------------------

* Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Mẫu Giấy ủy quyền ở trên chính là một sự thể hiện một hợp đồng ủy quyền (giao dịch dân sự), cụ thể là giám đốc công ty XXX, thay vì tự mình - với tư cách là người đại diện theo pháp luật của công ty, đến làm việc với Tòa án, đã ủy quyền cho nhân viên của mình thay mình (với tư cách là người đại diện theo ủy quyền) làm việc đó.

2. Theo qui định, tất cả các trường hợp ủy quyền đều phải được lập thành văn bản và phải qua công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, trong trường hợp này vì Công ty là một pháp nhân, có con dấu, có Giấy đăng ký kinh doanh - tức là có tư cách độc lập, tự quyết trong các giao dịch và người nhận ủy quyền lại chính là một nhân viên trong công ty - nên chỉ cần lập Giấy ủy quyền theo kiểu "nội bộ" như trên là đủ và vẫn có giá trị pháp lý, được Tòa án chấp nhận. Nhưng nếu người nhận ủy quyền không phải là người trong công ty, thì hai bên vẫn phải ra Phòng công chứng ký Hợp đồng ủy quyền như các trường hợp thông thường khác.

3. Việc ủy quyền như trên có thể so sánh với việc Giám đốc ủy quyền cho Phó giám đốc được quyền ký các hợp đồng có giá trị thấp - mà các doanh nghiệp vẫn hay làm.

4. Về nội dung, phần "nội dung ủy quyền" là rất quan trọng và nhất thiết phải ghi thật rõ ràng, đầy đủ, dự liệu các tình huống có thể xảy ra. Chứ nếu chỉ ghi kiểu chung chung là "đại diện tham gia phiên tòa" là không đủ và cũng không được Tòa án chấp thuận.

5. Nói chung, ủy quyền là một vấn đề pháp lý tương đối phức tạp và phải tuân thủ theo những qui định nghiêm ngặt, có phần rườm rà, "khó khăn" - theo cảm nhận chung của nhiều người. Song nếu làm không đúng, không chặt thì không khéo sẽ dẫn đến những hệ lụy, hậu quả khó lường. Và giao dịch do người nhận ủy quyền thực hiện cũng sẽ không có giá trị.

-----------------------------------------

Bài liên quan:

* Hợp đồng ủy quyền


Mẫu văn bản Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật Ecolaw. Có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như tài liệu tham khảo. Công ty luật Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Mẫu văn bản” để thao khảo thêm về những mẫu đơn từ/văn bản … mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực Thương mại – Doanh nghiệp

CÔNG TY LUẬT  ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn